Thế giới phẳng và những thách thức đối với ngành bán lẻ

Thị trường bán lẻ hiện đại trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới. Với sự phát triển của hệ thống bán lẻ còn rất lớn, kèm lợi thế về việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết, là một trong những yếu tố hấp dẫn khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đổ vốn mạnh vào ngành bán lẻ Việt Nam.

Ngành bán lẻ đang hấp dẫn hơn bao giờ hết

Năm 2015 là năm thành công đặc biệt của Việt Nam trong các hoạt động chính trị, đối ngoại với hàng loạt các hiệp định thương mại quan trọng dần đi vào hiệu lực ( TPP, AEC. FTA…). Hiện nay Việt Nam không chỉ là thị trường của của 90 triệu dân, mà chính thức bước vào sân chơi mới với thị trường chung hơn 600 triệu dân. Doanh thu thị trường bán lẻ của Việt Nam năm 2015 là 102 tỷ USD. Dự báo năm 2020, con số này sẽ tăng lên mức 179 tỷ USD. Hiện các kênh mua sắm hiện đại mới chỉ “phủ sóng” được 25% thị trường. Với tỷ lệ “phủ sóng” này, thị phần chuỗi bán lẻ hiện đại của Việt Nam còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ này tại Philippines là 33%, Malaysia là 60%, Thái Lan 34%, Singapore 90% và Trung Quốc 51%...

Nguồn: Internet

Hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và việc cắt giảm thuế suất mạnh mẽ theo cam kết, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. So với các thị trường khác trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất và đang có sức hút lớn với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài do dư địa của thị trường còn lớn và khả năng tăng trưởng còn dài. Trong vài năm trở lại đây,  nguy cơ bị thâu tóm bởi các đối thủ nước ngoài, đối với ngành Bán lẻ là điều rất dễ xảy ra, Việt Nam đã chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn ngành bán lẻ nước ngoài như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), BJC, Power Buy (Thái Lan)… Điều này cho thấy, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam là cạnh tranh gay gắt.

Nỗ lực giữ thị phần nội địa

Thực tế, thời gian gần đây,chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A).  Nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đẩy nhanh việc tiếp cận thị trường tiêu dùng Việt Nam. Theo các chuyên gia, M&A là con đường tắt để doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính tham gia nhanh vào thị trường bán lẻ trong nước trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn khống chế mở điểm bán mới đối với doanh nghiệp nước ngoài bởi ràng buộc quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Theo Hiệp định thương mại ASEAN đến 2018, thuế suất thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh về mức 0% và mức cao nhất cũng chỉ là 5%, Với mức thuế này, việc mua bán, sáp nhập chính là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp nước ngoài phát triển hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Nguồn: Internet

Chính vì vậy, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam là cạnh tranh gay gắt và nguy cơ bị thâu tóm từ các nhà đầu tư ngoại. Mặt khác, Việt Nam cũng điều chỉnh và thực hiện quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn để giữ thị phần nội địa và vượt qua rào cản để tham gia một sân chơi mới “đẳng cấp hơn.

Cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam chính là lợi thế sân nhà và sự am hiểu khách hàng của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có sẵn thương hiệu và hiểu biết về pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đặt ra chính là các tập đoàn nước ngoài có nguồn vốn lớn và kinh nghiệm quản lý tốt. Khi thị trường mở, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Khi đó khách hàng sẽ trả tiền cho ai phục vụ họ tốt nhất, chính vì vậy, sân chơi này doanh nghiệp bán lẻ cần phải đặt khách hàng lên tầm quan trọng, giữ khách và tham gia cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả

 Thu Thủy

Tổng hợp

Theo Vietnam Report Tổng hợp